Đau thắt ngực không ổn định

Đau thắt ngực không ổn định

Table of Contents

Định nghĩa

Đau thắt ngực không ổn định là bệnh gì?

Đau thắt ngực không ổn định là cơn đau ở ngực do tình trạng máu và oxy không đủ để cung cấp cho tim.

Đau thắt ngực có thể là triệu chứng của bệnh mạch vành hoặc xơ vữa động mạch khi các mảng bám cấu tạo từ cholesterol và chất béo bám bên trong động mạch. Cơn đau thắt ngực cũng có thể là do sự co thắt cơ bên trong động mạch vành.

Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng đau ngực dữ dội, kéo dài và tái phát nhiều lần. Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm và cần cấp cứu, nếu chậm trễ có thể gây tử vong.

Những ai thường bị đau thắt ngực không ổn định?

Đau thắt ngực không ổn định là một bệnh khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa rõ nhóm người nào có nguy cơ cao mắc bệnh. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những triệu chứng và dấu hiệu của đau thắt ngực không ổn định là gì?

Triệu chứng đau thắt ngực không ổn định là những cơn đau nhẹ hoặc dữ dội gây khó chịu ở lồng ngực, tạo cảm giác như lồng ngực bị thắt lại và đau âm ỉ. Cơn đau này sau đó có thể lan đến những nơi khác như cánh tay (đặc biệt là vùng cánh tay trái), cổ, vai, xương hàm.

Ngoài ra, đôi lúc bạn có thể cảm thấy khó thở, buồn nôn, đổ mồ hôi, kiệt sức.

Các triệu chứng này thường xảy ra một cách đột ngột ngay cả khi người bệnh đang trong trạng thái nghỉ ngơi.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có một trong những dấu hiệu kể trên hoặc cảm giác khó chịu bởi những cơn đau thắt dai dẳng không dứt, bạn nên đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ ngay để được chữa trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra đau thắt ngực không ổn định là gì?

Bệnh đau thắt ngực không ổn định xuất hiện do tình trạng huyết khối (một dạng mảng bám ở động mạch) bị vỡ ra, làm cho động mạch bị tắc nghẽn. Nếu không được điều trị, những huyết khối có thể phát triển làm tắc nghẽn toàn bộ động mạch và gây nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị đau thắt ngực không ổn định?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh đau thắt ngực không ổn định, bao gồm:

  • Hút thuốc;
  • Xơ vữa động mạch hay còn gọi là tình trạng động mạch giòn và cứng;
  • Tăng huyết áp, nồng độ cholesterol trong máu cao, tiểu đường.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh;
  • Tuổi tác, giới tính và chủng tộc cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc đau thắt ngực không ổn định.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị đau thắt ngực không ổn định?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân ổn định tình trạng bệnh. Sau đó cho bệnh nhân dùng những loại thuốc giảm đau, chống đông máu (như Aspirin), và oxy trợ giúp hô hấp.

Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng một vài loại thuốc có tác dụng kiểm soát huyết áp và làm giãn động mạch. Vd: viên nang Nitroglycerin ngậm dưới lưỡi có thể làm giãn mạch máu ở tim.

Sau khi xuất viện, người bệnh sẽ được kê một số thuốc trị liệu như (Apirin, Clopidogrel, Heparin) để chống đông máu. Các loại thuốc hạ huyết áp và những thuốc khác cũng có thể được sử dụng để giúp giảm nồng độ cholesterol và mỡ trong máu.

Những giải pháp điều trị khác như phẫu thuật nong mạch vành bằng bóng và đặt stent, hay phẫu thuật bắc cầu mạch vành:

  • Với phẫu thuật nong mạch và đặt stent, những mạch máu bị tắc nghẽn sẽ được thông bằng một bong bóng nhỏ. Sau đó, stent (một ống nhỏ bằng kim loại) sẽ được đưa vào trong động mạch để giúp thông động mạch và tránh tắt nghẽn trở lại.
  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành là thủ thuật phục hồi lưu lượng máu đến cơ tim. Sau khi phẫu thuật bắc cầu mạch vành, lưu lượng máu của người bệnh sẽ được phục hồi.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng cách tham khảo tiền sử bệnh án, khám thực thể và xét nghiệm máu. Sau đó, bác sĩ tiến hành đo điện tâm đồ (ECG) hoặc chụp X-quang ngực để xác định mức độ tổn thương của tim. Bác sĩ cũng tiến hành đo tần số tim, tần số thở, nồng độ oxy trong máu và huyết áp của người bệnh.

Nếu nghi ngờ tim có hiện tượng bị tắc nghẽn, bác sĩ sẽ có thể quan sát động mạch ở tim bằng thủ thuật chụp mạch vành. Bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ luồn một ống dẻo, mỏng thông qua động mạch ở bẹn hoặc cánh tay đến động mạch ở tim để xác định vị trí tắt nghẽn.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau thắt ngực không ổn định?

Đau thắt ngực không ổn định có thể được kiểm soát nếu bạn:

  • Hợp tác với bác sĩ và uống thuốc theo đơn. Tự ý thay đổi liệu trình điều trị hoặc thuốc được kê đơn không chỉ làm chậm quá trình điều trị mà còn khiến bệnh trở nên nặng hơn.
  • Nếu người bệnh thừa cân, hãy thiết lập chế độ giảm cân và ăn uống lành mạnh để giảm cholesterol và nguy cơ bị xơ vữa động mạch.
  • Luôn mang theo Nitroglycerin bên mình để dùng khi phát bệnh. Vì bệnh diễn ra đột ngột nên bạn cẩn chuẩn bị tinh thần để đối phó với bệnh bất cứ lúc nào.
  • Thông báo với người thân hoặc luôn đi với một người biết phải làm gi khi bạn đau thắt ngực đột ngột và không thể kiểm soát bản thân.
  • Thường xuyên tập thể thao nhưng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cường độ và loại bài tập phù hợp.
  • Bỏ hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Internet – hellobacsi