Xuất huyết võng mạc

Xuất huyết võng mạc

Table of Contents

Tìm hiểu chung

Xuất huyết võng mạc là gì?

Võng mạc là lớp mô thần kinh mỏng nằm sau mắt. Khi ánh sáng đi vào trong mắt, ánh sáng sẽ xuyên qua giác mạc và thủy tinh thể, hội tụ trên võng mạc. 

Xuất huyết võng mạc là bệnh lý phức tạp về mắt khiến máu từ mạch máu thoát ra ngoài võng mạc. Tùy theo số lượng và vị trí xuất huyết mà người bệnh có thể bị giảm thị lực (mờ mắt) nhiều hay ít. Nếu không được chữa trị kịp thời, những tổn thương võng mạc có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng thị giác.

Triệu chứng

Xuất huyết trong mắt

Xuất huyết trong mắt

Những dấu hiệu và triệu chứng của xuất huyết võng mạc là gì?

Trong một số trường hợp, người bị xuất huyết võng mạc không có triệu chứng nhưng có thể bị mất thị lực đột ngột hoặc từ từ, từ nhẹ đến nặng, xuất hiện điểm mù.

Các dấu hiệu để nhận biết tình trạng võng mạc bị xuất huyết có thể kể đến là:

  • Đỏ mắt
  • Đau đầu
  • Mắt nhìn mờ
  • Thấy “ruồi bay” (các chấm nhỏ màu đen li ti trong mắt), thấy màu đỏ trong tầm nhìn hoặc có 1 lớp sương trong bóng tối, thấy ánh sáng lóe lên rất nhanh trong tầm nhìn ngoại vị
  • Tầm nhìn bị bóp méo

Nguyên nhân

Nguyên nhân của xuất huyết võng mạc là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết võng mạc. Hầu hết là do người bệnh mắc phải những bệnh lý liên quan đến mạch máu của võng mạc như:

  • Chấn thương vùng đầu, mắt, thường là do các tác động lặp đi lặp lại như trong hội chứng rung lắc ở trẻ
  • Thay đổi áp suất không khí nhanh như đi leo núi hoặc lặn biển
  • Bệnh Eales (viêm mạch máu võng mạc)
  • Bệnh tiểu đường
  • Tăng huyết áp
  • Thiếu máu
  • Bệnh bạch cầu
  • Cận thị nặng
  • Thoái hóa điểm vàng do tuổi già
  • Phình mạch máu võng mạc

Khi võng mạc bị xuất huyết thì tỷ lệ phục hồi cũng như khả năng tiếp nhận ánh sáng của mắt sẽ thấp hơn so với bình thường vì võng mạc là một tổ chức thần kinh phức tạp. Nếu không tìm được nguyên nhân gây ra bệnh thì sẽ rất khó điều trị và bệnh có thể tái phát.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị xuất huyết võng mạc là:

  • Người bị tắc tĩnh mạch võng mạc. Tình trạng này khiến các mạch máu trong mắt bị vỡ, dẫn đến võng mạc bị xuất huyết.
  • Trẻ sơ sinh. Đặc biệt là trẻ sinh non vì trẻ dễ phát triển các mạch máu bất thường trong võng mạc, dễ vỡ và gây xuất huyết võng mạc.
  • Người tăng huyết áp. Người mắc bệnh này dễ bị tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc, gây chảy máu trong mắt, phù gai thị, ảnh hưởng đến thị lực.
  • Người bị tiểu đường. Đối tượng này có thể xuất hiện hiện tượng tắc nghẽn vi mạch máu và rò rỉ mạch máu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy trong hồng cầu và dẫn đến tình trạng thiếu máu võng mạc, gây tổn thương võng mạc.

Chẩn đoán và điều trị

Siêu âm mắt

Siêu âm mắt

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán xuất huyết võng mạc?

Để chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện:

  • Xét nghiệm máu
  • Kiểm tra thị lực
  • Chụp mạch huỳnh quang (chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang). Đây là kỹ thuật dùng để chụp ảnh bên trong mắt người bệnh bằng cách sử dụng chất nhuộm tiêm vào tĩnh mạch tay.
  • Siêu âm mắt

Những phương pháp điều trị xuất huyết võng mạc

Trong một số trường hợp, bệnh có thể tự khỏi nếu không do chấn thương hay có các triệu chứng, bệnh lý khác đi kèm. Lúc này, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện hoặc các chuyên khoa về mắt để được bác sĩ xem xét mức độ tổn thương, xác định vị trí xuất huyết.

Bên cạnh đó, việc tìm ra nguyên nhân gây xuất huyết cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa tái phát cũng như bảo vệ mắt còn lại.

Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc steroid để điều trị cho người bị thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, các trung tâm nhãn khoa lớn cũng có nhiều biện pháp tiên tiến khác như dùng laser, vi phẫu mạch máu, thuốc tiêm nội nhãn để điều trị.

Nếu gặp các dấu hiệu bất thường như tầm nhìn không được cải thiện, có các vấn đề về thị lực như nhược thị hoặc xuất hiện các điểm mù, người bệnh cần nhanh chóng đến viện kiểm tra.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa xuất huyết võng mạc?

Để phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe mắt, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:

  • Phụ nữ mang thai cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, theo dõi tình trạng của thai nhi trong suốt thai kỳ.
  • Trẻ sinh ra có nguy cơ rối loạn cao cần được theo dõi kỹ nhằm tránh các biến chứng của xuất huyết võng mạc ở trẻ sơ sinh.
  • Người bị tăng huyết áp, tiểu đường phải kiểm soát huyết áp hay lượng đường trong máu bằng cách kiểm tra thường xuyên, tập thể dục đều đặn, theo dõi lượng thức ăn hằng ngày, tập lối sống thư giãn, không tạo áp lực.
  • Người gặp phải vấn đề về thị lực như mắt đỏ, mắt mờ, thường xuyên cảm thấy đau nhức mắt cần phải nhanh chóng đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị cải thiện tình trạng này.
  • Ngồi làm việc đúng tư thế, đảm bảo đủ ánh sáng.
  • Hạn chế sử dụng các loại thiết bị điện tử quá thường xuyên, nhất là đối tượng nhân viên văn phòng và học sinh.
  • Thư giãn mắt bằng các bài tập cho mắt.

Khi thấy có dấu hiệu xuất huyết võng mạc, hãy ngay lập tức đến các bệnh viện mắt chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng.

Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non
  • Bệnh võng mạc tiểu đường

Nguồn: Internet – hellobacsi