Nội soi khớp vai

Nội soi khớp vai

Table of Contents

Định nghĩa

Nội soi khớp vai là gì?

Nội soi khớp (phẫu thuật lỗ khóa) là thủ thuật quan sát cấu tạo bên trong của khớp bằng cách đưa một sợi dây có camera và đèn ở đầu dây vào khớp qua một lỗ nhỏ đã được rạch trên da. Khi thực hiện nội soi, bác sĩ phẫu thuật có thể điều trị luôn một số vấn đề của khớp bằng cách sử dụng các dụng cụ phẫu thuật đặc biệt được đưa vào khớp giống như camera.

Khi nào bạn nên thực hiện nội soi khớp vai?

Bác sĩ sẽ chỉ định nội soi trong những trường hợp:

  • Vòng sụn hoặc dây chằng bị rách hay bị tổn thương.
  • Mất vững khớp vai, là tình trạng khớp vai lỏng lẻo và trượt xung quanh ổ khớp quá nhiều hoặc bị trật khớp (chỏm xương cánh tay trượt khỏi ổ chảo xương vai).
  • Gân cơ nhị đầu bị rách hoặc bị tổn thương.
  • Rách chóp xoay.
  • Có cựa xương hoặc nhiễm trùng xung quanh chóp xoay.
  • Mặt khớp bị viêm hoặc bị tổn thương, thường gây ra do một bệnh lý như viêm khớp dạng thấp.
  • Viêm khớp ở đầu xương đòn .
  • Có những mô lỏng lẻo cần phải được loại bỏ.
  • Hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai: phẫu thuật để tạo chỗ cho khớp vai có thể di chuyển xung quanh.

Thận trọng/Cảnh báo

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện nội soi khớp vai?

Phẫu thuật điều trị rách sụn thường được thực hiện để làm ổn định khớp vai. Nhiều người hồi phục hoàn toàn và khớp vai của họ được giữ ổn định. Nhưng một số trường hợp khớp vai của họ vẫn không được vững sau khi đã được điều trị bằng nội soi khớp vai.

Thực hiện thủ thuật  sửa chữa rách chóp xoay hoặc viêm gân qua nội soi khớp thường giúp cho bạn giảm đau. Nhưng nó không thể giúp sức cơ của bạn bình thường lại như trước.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện

Bạn nên làm gì trước khi thực hiện nội soi khớp vai?

Nội soi khớp vai thường được thực hiện bằng cách gây mê. Bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn rõ ràng những điều cần làm theo trước khi phẫu thuật, bao gồm cả việc bạn có thể ăn những thứ gì trước đó. Trong hầu hết các trường hợp, bạn nên bắt đầu nhịn ăn khoảng sáu giờ trước khi làm thủ thuật. Bạn có thể dùng đồ uống, chẳng hạn như cà phê, cho đến một vài giờ trước khi phẫu thuật.

Quy trình thực hiện nội soi khớp vai là gì?

Phẫu thuật thường mất khoảng 40 phút. Phẫu thuật viên sẽ rạch hai đến bốn đường nhỏ xung quanh khớp. Họ sẽ đưa một ống soi nhỏ vào khớp thông qua một trong các đường rạch để quan sát bên trong khớp. Nếu bác sĩ quan sát thấy có những tổn thương trong khớp có thể điều trị ngay trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy dụng cụ phẫu thuật và đưa nó vào khớp thông qua những đường rạch còn lại.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện nội soi khớp vai?

Bạn sẽ có thể về nhà ngay trong ngày. Bác sĩ trị liệu sinh lý sẽ hướng dẫn cho bạn các bài tập và cho lời khuyên để giúp bạn phục hồi lại sớm nhất sau phẫu thuật. Có thể phải mất ba tháng mới có thể quay trở lại hoạt động bình thường.

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn trở lại hoạt động bình thường sớm nhất có thể. Trước khi bạn bắt đầu tập, bạn hãy xin sự hướng dẫn của các nhân viên y tế hoặc bác sĩ của bạn.

Hầu hết mọi người đều phục hồi tốt nhưng quá trình phục hồi cần một khoảng thời gian khá dài thì mới có thể giảm đau và bắt đầu vận động lại như trước được. Các triệu chứng của bệnh có thể tái phát lại theo thời gian.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Biến chứng

Liệu có biến chứng nào có thể xảy ra hay không?

Các biến chứng chung khi nội soi có thể có như:

  • Đau;
  • Chảy máu;
  • Nhiễm trùng vết mổ (vết thương);
  • Sẹo xấu.

Biến chứng chuyên biệt khi thực hiện nội soi khớp vai bao gồm:

  • Chảy máu vào khớp;
  • Nhiễm khuẩn khớp vai;
  • Đau dữ dội, cứng khớp và mất khả năng sử dụng cánh tay, bàn tay (hội chứng đau vùng phức tạp);
  • Tổn thương thần kinh.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Blog Điều Trị không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Nguồn: Internet – hellobacsi