Cấy ghép máy ghi vòng lặp

Cấy ghép máy ghi vòng lặp

Table of Contents

Tìm hiểu chung

Máy ghi vòng lặp là gì?

Máy ghi vòng lặp (ILR) là một loại thiết bị nhỏ được đặt ngay dưới da ngực, giúp theo dõi nhịp tim của người được cấy ghép máy liên tục trong tối đa 3 năm. Thiết bị ghi lại các tín hiệu điện của tim và cho phép kiểm soát từ xa.

Khi nào bạn nên thực hiện cấy ghép?

Một máy ghi vòng lặp có thể giải đáp được các câu hỏi liên quan đến tim mà các thiết bị theo dõi tim mạch khác không cung cấp được. Bên cạnh đó, thiết bị cũng cho phép theo dõi nhịp tim dài hạn và nắm bắt được các thông tin mà điện tâm đồ tiêu chuẩn (ECG hoặc EKG) hay máy theo dõi Holter có thể không phát hiện ra.

Ví dụ, nếu bạn làm thủ thuật đo điện tâm đồ tiêu chuẩn để tìm hiểu lý do ngất xỉu, kết quả sẽ chỉ ghi lại nhịp tim bất thường bất kỳ trong vài phút của giai đoạn theo dõi – thường là khoảng 5 phút. Còn máy ghi vòng lặp được cấy ghép sẽ theo dõi tín hiệu tim trong một quãng thời gian dài hơn nhiều. Điều này tăng khả năng nắm bắt những hoạt động bất thường của tim từ lúc cấy đến khi trải qua một cơn ngất khác. Thông tin thu được có thể giúp bác sĩ chẩn đoán xác định và đưa ra kế hoạch điều trị hợp lý.

Máy ghi vòng lặp cấy ghép là một trong những thiết bị theo dõi tim mới. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá sự an toàn và lợi ích từ thiết bị trong 10 năm qua. Thiết bị có tỷ lệ chẩn đoán các vấn đề về nhịp tim cao hơn so với các loại khác.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện cấy ghép

Người bệnh không cần phải chuẩn bị nhiều trước khi tiến hành cấy ghép máy ghi vòng lặp. Dù vậy, hãy tham khảo thêm ý kiến của kỹ thuật viên và bác sĩ.

Trong khi thực hiện cấy ghép

Thủ thuật này thường được thực hiện tại phòng mạch hoặc bệnh viện với thuốc gây tê cục bộ. Bác sĩ tiến hành tạo một vết mổ nhỏ, thường ở ngực trên bên trái. Sau đó, cấy thiết bị có kích cỡ như một viên pin AA phẳng vào và đóng vết mổ bằng chỉ khâu. Thiết bị sẽ giữ nguyên vị trí trong tối đa 3 năm.

Sau khi thực hiện cấy ghép

Người bệnh có thể về nhà trong ngày, tuy nhiên cần theo dõi vết mổ để phòng ngừa dấu hiệu nhiễm trùng. Ngoài ra cần chú ý hạn chế các hoạt động cho đến khi vết thương lành. Nếu bị sưng hay chảy máu tại vị trí cấy ghép, hãy quay trở lại phòng khám.

Thiết bị ghi lại các xung điện của tim và có thể được gửi tự động đến bác sĩ bằng mạng internet và công nghệ không dây. Tất cả những gì người bệnh cần làm là đặt bộ kích hoạt cầm tay mà bác sĩ cung cấp ngay bên cạnh giường vì dữ liệu sẽ được gửi đi trong lúc ngủ. Người bệnh cũng có thể tự kích hoạt quá trình truyền dữ liệu. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu ghi lại tất cả các triệu chứng.

Người bệnh có thể sẽ cần gặp bác sĩ 1 hoặc 2 lần một năm để kiểm tra định kỳ và đảm bảo thiết bị vẫn đang được đặt đúng chỗ. Khi không còn nhu cầu sử dụng, người bệnh cũng sẽ trải qua một thủ thuật tương tự để lấy thiết bị ra.

Điều cần thận trọng

Cấy ghép máy ghi vòng lặp có nguy hiểm không?

Cấy ghép máy ghi vòng lặp là một dạng tiểu phẫu. Rủi ro của thủ thuật này bao gồm nhiễm trùng hoặc phản ứng với thiết bị gây đỏ da hoặc đau tại vị trí vết mổ.

Những lưu ý khác

Máy ghi vòng lặp hoàn toàn không nhìn thấy được bằng mắt thường, do đó không can thiệp vào các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Thiết bị không có dây điện nên người bệnh không phải lo lắng về việc thiết bị bị ướt khi tắm hoặc bơi. Thiết bị cũng được cho là an toàn khi người bệnh cần tiến hành các thủ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, hãy thông báo cho bác sĩ biết về thiết bị cấy ghép này trước khi lên lịch kiểm tra hay xét nghiệm.

Một lưu ý nhỏ là thiết bị ghi vòng lặp cấy ghép này có thể kích hoạt báo động của máy dò kim loại như tại cổng an ninh của sân bay. Bác sĩ có thể cung cấp cho người bệnh một thẻ nhận dạng thiết bị để mang theo bên mình trong những tình huống như vậy. Người bệnh chỉ cần trình báo cho nhân viên sân bay để tiếp tục tiến hành các thủ tục như bình thường.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Blog Điều Trị không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Điện tâm đồ
  • Bạn nên làm gì để ngừa ngất xỉu đột ngột?
  • [Hỏi đáp bác sĩ] Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?

Nguồn: Internet – hellobacsi