Liệu pháp xạ trị

Liệu pháp xạ trị

Table of Contents

Tìm hiểu chung

Liệu pháp xạ trị là gì?

Bên cạnh hóa trị và phẫu thuật, xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất. Cơ chế hoạt động của liệu pháp này là sử dụng các chùm tia có năng lượng lớn, ví dụ như tia X, tác động đến những khối u ác tính, từ đó ngăn chặn sự phát triển cũng như tiêu diệt chúng.

Khi nào bạn cần thực hiện liệu pháp xạ trị?

Theo thống kê, hơn 50% người mắc bệnh ung thư được chỉ định thực hiện xạ trị. Liệu pháp này có thể diễn ra ở nhiều thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị với những mục đích riêng, chẳng hạn như:

  • Ngay từ đầu liệu trình (xạ trị là phương pháp điều trị chính trong trường hợp này)
  • Trước khi phẫu thuật, nhằm thu nhỏ khối u ác tính
  • Sau phẫu thuật, với mục đích ngăn chặn sự phát triển của bất kỳ tế bào đột biến nào còn sót lại
  • Kết hợp luân phiên với liệu pháp hóa trị nhằm tiêu diệt tế bào ung thư triệt để

Điều cần thận trọng

Liệu pháp xạ trị có nguy hiểm không?

Chùm tia phóng xạ tiêu diệt khối u ác tính bằng cách phá hủy vật chất di truyền chịu trách nhiệm kiểm soát sự phát triển cũng như phân chia của tế bào. Do đó, sau khi xạ trị tiến hành, không chỉ tế bào ung thư bị tiêu diệt mà cả tế bào khỏe mạnh xung quanh cũng chịu ảnh hưởng, khiến sức khỏe tổng thể suy giảm.

Cụ thể hơn, người bệnh có thể bắt gặp một số vấn đề phát sinh kèm theo gồm:

  • Rụng tóc
  • Kích ứng da tại khu vực điều trị
  • Mệt mỏi hay thậm chí là suy nhược cơ thể

Bên cạnh đó, mỗi khu vực điều trị còn có những tác dụng phụ khác, ví dụ như:

  • Ở đầu, cổ hay vòm họng: khô miệng, nước bọt đặc, khó nuốt, đau họng, dễ buồn nôn, lở miệng, sâu răng…
  • Ở ngực: khó nuốt, thường xuyên ho khan, khó thở…
  • Ở bụng: dễ buồn nôn và nôn, tiêu chảy…
  • Ở vùng xương chậu: tiêu chảy, bàng quang bị kích thích, thường xuyên đi vệ sinh, rối loạn chức năng cơ quan sinh sản…

Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng vì những hệ lụy này thường chỉ mang tính chất tạm thời. Thêm vào đó, chúng cũng dễ kiểm soát và sẽ mau chóng biến mất theo thời gian sau khi liệu trình xạ trị kết thúc.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Trước khi thực hiện liệu pháp xạ trị, bạn sẽ cần:

Tham vấn cùng bác sĩ

Lúc này, bác sĩ sẽ cùng bạn thảo luận về những ưu, nhược điểm của xạ trị và các lựa chọn điều trị ung thư khác nhằm cân nhắc liệu phương pháp này có phù hợp với bạn không.

Tham gia mô phỏng xạ trị

Mô phỏng xạ trịMô phỏng xạ trị
Bác sĩ giúp người bệnh tìm kiếm tư thế thoải mái nhất khi làm xạ trị.

Vì bạn bắt buộc nằm bất động trong suốt quá trình điều trị nên mục đích của cuộc mô phỏng này là giúp bác sĩ tìm kiếm tư thế thoải mái và thuận lợi nhất cho bạn. Ngoài ra, lúc này các chuyên gia còn đánh dấu khu vực tiếp nhận chùm tia phóng xạ. Trong một số trường hợp, các điểm đánh dấu có thể là hình xăm nhỏ như nốt ruồi.

Chụp CT

Dựa vào kết quả chụp CT, các chuyên gia có thể mô phỏng hình dáng cũng như kích thước của khối u trong cơ thể, từ đó xác định khu vực cần được xạ trị.

Sau khi bạn hoàn thành những quy trình trên, các chuyên gia sẽ quyết định loại chùm tia và liều lượng cần thiết phù hợp. Việc xác định đúng liều lượng xạ trị và đích đến của các tia phóng xạ đóng vai trò quan trọng để tối ưu hóa kết quả điều trị, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực lên những mô khỏe mạnh xung quanh.

Trong khi thực hiện

Một lần xạ trị thông thường sẽ kéo dài 10 – 30 phút. Hầu hết trường hợp, các buổi trị liệu sẽ diễn ra vào những ngày trong tuần và tạm ngưng vào hai ngày thứ 7 và Chủ nhật. Điều này giúp người bệnh có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi tế bào bình thường bị ảnh hưởng sau trị liệu.

Duy trì cơ thể với một tư thế cố định trong suốt quá trình trị liệu là điều bắt buộc. Do đó, bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ gối kê để thực hiện điều này. Ngoài ra, hãy sử dụng tấm chắn để bảo vệ những bộ phận khác khỏi ảnh hưởng không cần thiết từ chùm tia phóng xạ.

Mặt khác, trong thời gian điều trị, bạn có thể liên lạc với bác sĩ bất kỳ lúc nào thông qua hệ thống liên lạc trong phòng. Các chuyên gia luôn quan sát bạn ở một phòng kế bên để có thể can thiệp kịp thời nếu có bất kỳ biến cố nào phát sinh trong lúc này.

Sau khi thực hiện

Bạn không nhất định phải nhập viện trong quá trình điều trị ung thư bằng liệu pháp xạ trị. Sau mỗi đợt trị liệu, bạn có thể về nhà và tiếp tục công việc thường ngày.

Tuy nhiên, lúc này bạn có thể dễ dàng bắt gặp những biểu hiện như:

  • Mệt mỏi
  • Nhạy cảm ở khu vực tiếp nhận điều trị
  • Dễ cáu gắt, khó chịu

Để khắc phục những vấn đề trên, bạn nên:

  • Nghỉ ngơi nhiều
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học
  • Tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định từ bác sĩ điều trị
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp dưới nắng
  • Trò chuyện với người thân, bạn bè về tình trạng hiện tại của mình

Mặt khác, hãy nói với bác sĩ về các tác dụng phụ mà bạn bắt gặp. Nếu bác sĩ cho rằng chúng có xu hướng vượt quá tầm kiểm soát, họ sẽ đề xuất một số phương pháp điều trị bổ sung để xoa dịu những triệu chứng này.

Kết quả của liệu pháp xạ trị

Kết quả của liệu pháp xạ trị là gì?

Thông thường, nếu bạn lựa chọn điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm hình ảnh sau một đợt trị liệu nhằm kiểm tra liệu cơ thể có đáp ứng tốt với liệu pháp này hay không.

Trong một số trường hợp, các tế bào đột biến có sự thay đổi rõ ràng ngay sau khi điều trị. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp, xạ trị sẽ cần vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng để phát huy tác dụng.

Ngược lại, không ít trường hợp phương pháp này không mang lại hiệu quả đáng kể cho người bệnh. Khi đó, bạn sẽ cần tiếp nhận liệu pháp điều trị khác phù hợp hơn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Blog Điều Trị không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bệnh nhân ung thư nên làm gì khi thực hiện hóa xạ trị?
  • 5 bí quyết về chế độ ăn uống khi điều trị xạ trị
  • Tác dụng phụ của xạ trị chữa ung thư vú

Nguồn: Internet – hellobacsi