Phẫu thuật não thức tỉnh

Phẫu thuật não thức tỉnh

Table of Contents

Tìm hiểu chung

Phẫu thuật não thức tỉnh là gì?

Phẫu thuật não thức tỉnh là một kỹ thuật được thực hiện trên não khi người bệnh vẫn trong trạng thái tỉnh táo và có nhận thức. Kỹ thuật này được sử dụng để điều trị một số bệnh về não (thần kinh), như u não hoặc động kinh.

Khi nào người bệnh cần thực hiện phẫu thuật não thức tỉnh?

Nếu khối u cần bóc tách hoặc vùng não gây động kinh ở gần các phần não kiểm soát khả năng vận động, ngôn ngữ và tầm nhìn thì người bệnh có thể tham khảo về kỹ thuật phẫu thuật não thức tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ đặt câu hỏi cho người bệnh trả lời, qua đó theo dõi hoạt động trong não. Kỹ thuật này giúp bác sĩ thao tác chuẩn xác hơn, tránh gây ảnh hưởng các khu vực não khác, từ đó không để lại di chứng hậu phẫu như bị câm hay liệt cho người bệnh.

Phẫu thuật não thức tỉnh có thể giảm kích thước của khối u não đang phát triển xuống một cách an toàn, kéo dài cuộc sống cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Những người bệnh từng được chẩn đoán không có khả năng phẫu thuật não thông thường thì giờ đây cũng đã có thêm một sự lựa chọn để quan tâm.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi phẫu thuật

Ngoài cân nhắc xem kỹ thuật phẫu thuật não thức tỉnh có phải là lựa chọn phù hợp với người bệnh không, bác sĩ cũng sẽ giải thích kết quả có thể mong đợi cũng như các rủi ro. Bác sĩ hoặc nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ có thể yêu cầu người bệnh xác định hình ảnh và từ ngữ trên các tấm thẻ hoặc trên máy tính để có thể so sánh câu trả lời của người bệnh trong khi phẫu thuật.

Điều quan trọng là người bệnh cần can đảm và có thể giữ bình tĩnh trong suốt quá trình cũng như có đáp ứng với bác sĩ. Do phẫu thuật không gây mê hoàn toàn thì việc nghe tiếng máy khoan cũng ít nhiều khiến người bệnh khó chịu. Việc hoảng hốt và không hợp tác sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác phẫu thuật.

Trong khi phẫu thuật

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh và bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ làm việc chặt chẽ cùng nhau để xác định loại gây mê thích hợp nhất cho mỗi người bệnh. Đó có thể là:

  • Tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật: Người bệnh sẽ được tiêm thuốc giảm đau và gây tê cục bộ trên da đầu để đảm bảo sự thoải mái trong giai đoạn rạch da.
  • Gây mê giai đoạn đầu và cuối, tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật: Người bệnh được tiêm một chút thuốc an thần khi bắt đầu thủ thuật. Bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ ngưng gây mê khi bác sĩ phẫu thuật sẵn sàng bắt đầu loại bỏ khối u não. Sau khi bác sĩ phẫu thuật hoàn tất, bác sĩ chuyên khoa thần kinh gây mê lại cho bệnh nhân.

Trong suốt quá trình, các bác sĩ giữ yên đầu của người bệnh ở một vị trí cố định để đảm bảo độ chính xác của phẫu thuật. Người bệnh sẽ được cạo bớt tóc. Sau đó bác sĩ phẫu thuật tiến hành bóc một phần hộp sọ để tiếp cận vùng não của người bệnh. Bác sĩ cũng sẽ kích thích khu vực xung quanh khối u bằng các điện cực nhỏ.

Nếu khối u ở gần với các khu vực não chi phối tầm nhìn, ngôn ngữ hoặc vận động, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng hình ảnh máy tính của não được chụp trước và trong khi làm phẫu thuật, cùng các phản hồi của người bệnh để tạo ra một bản đồ về các khu vực chức năng của não. Bác sĩ sẽ sử dụng bản đồ não này cùng hình ảnh 3 chiều từ máy tính để tránh tác động trúng các khu vực đó, tập trung loại bỏ triệt để khối u não và giảm nguy cơ làm hỏng các chức năng quan trọng của cơ thể. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các nhiệm vụ như nói chuyện, đếm số, nhận biết hình ảnh hoặc giơ ngón tay. Trả lời của người bệnh giúp bác sĩ phẫu thuật xác định đúng khu vực đang điều tri cũng như tránh tiếp xúc vùng não chức năng.

Bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ đảm bảo người bệnh không cảm thấy đau trong quá trình phẫu thuật bên cạnh việc theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, nhịp thở và huyết áp). Bác sĩ này cũng sẽ trò chuyện với người bệnh để giúp người bệnh giữ bình tĩnh.

Sau khi phẫu thuật

Bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) để đảm bảo đã loại bỏ triệt để khối u. Người bệnh sẽ được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt và ở lại theo dõi khoảng 2-3 ngày. Người bệnh thường có thể trở lại làm việc và hoạt động bình thường trong 6 tuần đến 3 tháng sau phẫu thuật. Sau ba tháng, người bệnh cần tái khám.

Điều cần thận trọng

Phẫu thuật não thức tỉnh có nguy hiểm không?

Vì phẫu thuật não thức tỉnh là đại phẫu thuật liên quan đến thần kinh sọ não, nên vẫn tồn tại một số rủi ro như sau:

  • Thay đổi tầm nhìn
  • Động kinh
  • Khó khăn trong việc nói hoặc học
  • Mất trí nhớ
  • Khả năng phối hợp và thăng bằng kém
  • Đột quỵ
  • Phù não hoặc tích tụ dịch não
  • Viêm màng não
  • Rò rỉ dịch não tủy
  • Yếu cơ bắp

Kết quả

Kết quả của phẫu thuật não thức tỉnh là gì?

Nếu người bệnh đã phẫu thuật não thức tỉnh để kiểm soát chứng động kinh thì thường xác nhận có những cải thiện đáng kể. Một số người không còn bị động kinh, trong khi những người khác ít lên cơn động kinh hơn thời điểm trước phẫu thuật.

Nếu người bệnh dùng kỹ thuật này trong u não, bác sĩ phẫu thuật sẽ cố gắng loại bỏ tất cả các khối u. Người bệnh vẫn có thể phải cần thêm các phương pháp điều trị khác như xạ trị hoặc hóa trị, để phá hủy các phần còn lại của khối u mà phẫu thuật không tiếp cận được.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Blog Điều Trị không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bệnh động kinh ở trẻ em có nguy hiểm không?
  • Nên và không nên làm gì khi chứng kiến một cơn động kinh?

Nguồn: Internet – hellobacsi