Tìm hiểu chung
Theo thời gian, các khớp của bạn có thể bị bào mòn và chịu thương tổn nghiêm trọng. Hiện nay, phẫu thuật thay khớp đang là một trong nhiều lựa chọn điều trị phổ biến nhất dành cho vấn đề này.
Phẫu thuật thay khớp là gì?
Phẫu thuật thay khớp là một thủ thuật y tế dùng để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khớp đã chịu tổn thương nặng nề. Đồng thời, khớp nhân tạo (có thể làm từ gốm, nhựa hoặc kim loại) sẽ được đặt vào để thay thế bộ phận đã bị loại bỏ.
Một ca phẫu thuật thay khớp thành công có thể giúp người bệnh:
- Đẩy lui cảm giác đau nhức khó tả
- Hỗ trợ di chuyển thuận lợi hơn
- Cải thiện tình trạng sức khỏe thể chất cũng như tinh thần
Các khớp có khả năng thay thế bao gồm khớp vai, khuỷu tay, ngón tay, hông, đầu gối và mắt cá chân. Trong đó, phẫu thuật thay khớp gối và khớp hông là thường gặp nhất.
Khi nào bạn cần thực hiện phẫu thuật thay khớp?
Những người đang gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến xương khớp, chẳng hạn như viêm khớp hoặc gãy xương, có khả năng cao cần thực hiện phẫu thuật thay khớp.
Bên cạnh đó, thủ thuật y tế trên càng cần thiết nếu tình trạng của người bệnh không có xu hướng cải thiện sau khi áp dụng những phương pháp điều trị bảo tồn như:
- Sử dụng thuốc kê toa
- Tập vật lý trị liệu
- Thay đổi lối sinh hoạt thường ngày theo hướng tích cực hơn
Điều cần thận trọng
Phẫu thuật thay khớp có nguy hiểm không?
Mặc dù theo thống kê, tỷ lệ phẫu thuật thành công chiếm đến 90%, các rủi ro biến chứng vẫn có nguy cơ phát sinh sau đó, bao gồm:
- Vị trí mổ bị nhiễm trùng
- Huyết khối hình thành trong mao mạch
- Khớp nhân tạo gặp vấn đề (nhiễm trùng, trật khớp, lỏng khớp, hư hại…)
- Các dây thần kinh xung quanh bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật
Quy trình thực hiện
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trước khi thực hiện
Nhằm đảm bảo kết quả phẫu thuật tốt nhất có thể, trước khi tiến hành thủ thuật y tế này, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe toàn diện của người bệnh, đồng thời yêu cầu họ làm thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu và đo điện tâm đồ.
Mặt khác, trước khi thực hiện phẫu thuật thay khớp, bạn cũng nên:
- Tham vấn ý kiến bác sĩ về những vấn đề xoay quanh giai đoạn sau phẫu thuật
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe thể chất tốt
- Thường xuyên tập thể dục
- Chuẩn bị sẵn những dụng cụ hỗ trợ cho quá trình phục hồi chức năng tại nhà, ví dụ như tay vịn, gậy hoặc khung tập đi…
Trong khi thực hiện
Một ca phẫu thuật thay khớp thông thường chỉ kéo dài vài tiếng. Trong quá trình phẫu thuật, phần sụn khớp và xương bị tổn thương sẽ được lấy ra và thay thế bằng bộ phận nhân tạo tương tự. Những bộ phận này được làm từ vật liệu chất lượng cao, có khả năng hoạt động không khác xương, khớp thật. Từ đó, chúng có thể giúp bạn tiếp tục vận động cơ thể thuận lợi như ý muốn.
Sau khi thực hiện
Sau khi ca mổ kết thúc, bạn sẽ cần ở lại bệnh viện vài ngày để bác sĩ theo dõi tình trạng và kiểm tra xem liệu biến chứng hậu phẫu có xảy ra hay không. Đặc biệt, đối với người cao tuổi hoặc người đang phải đối mặt với những bệnh lý khác, thời gian nhập viện có khả năng kéo dài đến vài tuần.
Kết quả của phẫu thuật thay khớp
Kết quả của phẫu thuật thay khớp là gì?
Nếu phẫu thuật thành công, bạn có thể hoạt động như cũ. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng cơ thể sẽ cần thời gian để thích ứng với khớp mới. Ở trường hợp thay khớp gối, bạn có thể cần sử dụng nạng hoặc gậy chống để hỗ trợ khi đi lại trong thời gian đầu.


Ngoài ra, tình trạng đau nhức cũng có khả năng phát sinh vào giai đoạn này. Tuy nhiên, cường độ đau thường nhẹ và sẽ nhanh chóng biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng. Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ thuốc giảm đau để đẩy lui cảm giác khó chịu này.
Mặt khác, tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật là lựa chọn được nhiều bác sĩ khuyến khích nhằm tăng cường sức khỏe của cơ xung quanh khớp mới, đồng thời nâng cao khả năng chuyển động của khớp. Tùy vào thể trạng cũng như loại khớp mà bạn thay thế, các chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn một số bài tập đơn giản, nhẹ nhàng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Blog Điều Trị không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 5 bài tập thể dục tốt cho xương khớp giúp bạn dẻo dai hơn
- Sưng khớp khi trời lạnh: Dùng thuốc hay không dùng thuốc?
- 4 triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp nói lên điều gì?