Thủ thuật cắt đốt

Thủ thuật cắt đốt

Table of Contents

Tìm hiểu chung

Thủ thuật cắt đốt là gì?

Thủ thuật cắt đốt là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, sử dụng nhiệt độ cực cao (nóng) hoặc thấp (lạnh) để phá hủy (cắt bỏ) mô hoặc khối u bất thường hoặc để điều trị các tình trạng sức khỏe khác. Thủ thuật cắt đốt có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ hở vì chỉ loại bỏ một hoặc nhiều lớp mô, không loại bỏ phần hay toàn bộ cơ quan của cơ thể.

Khi nào bạn cần thực hiện thủ thuật cắt đốt?

Thủ thuật này có thể được thực hiện để điều trị nhiều loại bệnh trạng. Một số thủ thuật cắt đốt phổ biến nhất bao gồm:

  • Triệt đốt bằng ống thông sử dụng năng lượng sóng có tần số vô tuyến hoặc phẫu thuật cắt lạnh (cryoablation) có thể được thực hiện để điều trị rối loạn nhịp tim. Mục đích là để khôi phục nhịp tim bình thường bằng cách phá hủy hoặc tạo mô sẹo tại các khu vực của tim gây ra tình trạng nhịp tim không đều.
  • Cắt bỏ nội mạc tử cung. Thủ thuật cắt đốt áp dụng trong việc triệt bỏ nội mạc tử cung có thể giúp giảm hoặc làm ngừng chảy máu bất thường như rong kinh. Phẫu thuật này lạng đi lớp nội mạc và một phần của cơ trơn tử cung. Nội mạc bị tiêu hủy hoàn toàn hoặc gần như thế, và vì lớp mới khác không còn mọc ra nữa nên máu kinh nguyệt sẽ giảm đi hoặc ngừng hẳn. Do vậy, kết quả của thủ thuật này không thể đảo ngược.
  • Đốt nhiệt can thiệp điều trị ung thư. Các khối u ung thư của thận, gan và các cơ quan khác có thể được điều trị bằng phương pháp cắt lạnh hoặc các kỹ thuật cắt bỏ khác, chẳng hạn như phương pháp đốt sóng cao tần RFA.
  • Cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt bằng laser (PVP). Bác sĩ sử dụng tia laser để triệt tiêu các mô u xơ tuyến tiền liệt.

Điều cần thận trọng

Thủ thuật cắt đốt có nguy hiểm không?

Các rủi ro của thủ thuật này tùy thuộc vào phương pháp cụ thể được sử dụng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Nhìn chung, thủ thuật cắt đốt khá an toàn và có mức rủi ro thấp.

Các biến chứng có thể xảy ra của thủ thuật bao gồm:

  • Chảy máu từ vị trí cắt đốt
  • Nhiễm trùng
  • Để lại sẹo
  • Tổn thương mạch máu
  • Đột quỵ hoặc đau tim

Quy trình thực hiện

Thủ thuật cắt đốtThủ thuật cắt đốt

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Người bệnh không nên ăn thức ăn đặc hoặc uống nước trước khi làm thủ thuật. Bác sĩ sẽ hướng dẫn đầy đủ về thời gian nhịn ăn uống tùy theo điều kiện sức khỏe mỗi người và phương pháp thực hiện cắt đốt.

Nếu đang phải uống thuốc và không có chỉ định ngừng từ bác sĩ thì người bệnh vẫn tiếp tục dùng thuốc như bình thường. Một số trường hợp dùng thuốc chống đông máu như warfarin thì có thể cần phải tạm thời ngừng uống. Người bệnh nên tham vấn thêm ý kiến từ bác sĩ.

Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu hoặc các loại xét nghiệm chẩn đoán khác trước khi làm thủ thuật. Người bệnh không nên đeo đồ trang sức đến bệnh viện hoặc phòng khám.

Trong khi thực hiện

Thủ thuật cắt đốt có thể được thực hiện tại bệnh viện hoặc cơ sở ngoại trú. Người bệnh thường được gây tê cục bộ ở khu vực nơi kim hoặc ống thông sẽ được đưa vào. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cho người bệnh gây mê toàn thân trong suốt quá trình.

Trong trường hợp cắt đốt qua ống thông, một ống thông bong bóng sẽ được đưa vào mạch máu, thường là ở vùng bẹn, cẳng tay hoặc cổ. Sau đó, ống thông được luồn theo mạch máu đến tim. Các kỹ thuật hình ảnh học có thể được sử dụng để bác sĩ nắm vị trí của đầu dò hoặc ống thông trong khi thực hiện.

Sau khi thực hiện

Thời gian hoàn thành thủ thuật có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại cắt đốt hoặc tình trạng bệnh lý được điều trị. Thủ thuật cắt đốt qua ống thông thì thường mất từ 3-6 giờ.

Người bệnh có thể phải ở lại bệnh viện trong vài giờ hoặc qua đêm theo chỉ định từ bác sĩ.

Nếu chỉ gây tê cục bộ, người bệnh sẽ được về nhà trong vòng vài giờ. Nếu gây mê, người bệnh thường có cảm giác yếu sức hoặc buồn nôn. Đây là phản ứng bình thường và sau vài ngày thì trạng thái mệt mỏi, khó chịu này sẽ hết dần.

Thời gian phục hồi có thể thay đổi tùy thuộc vào bệnh lý và phương pháp cắt đốt.

Người bệnh nên tránh các hoạt động gắng sức trong một thời gian. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về thời gian có thể trở về với những hoạt động thường ngày.

Phụ nữ sau khi thực hiện cắt bỏ nội mạc tử cung có thể gặp hiện tượng chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo. Tình trạng này thông thường kéo dài đến 3-4 tuần.

Trong mọi trường hợp, nếu có các triệu chứng như sốt cao, chảy máu nhiều, nôn mửa, đau hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường, khó chịu nào khác, người bệnh cần nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ từ y tế.

Kết quả của thủ thuật

Kết quả của thủ thuật cắt đốt là gì?

Thủ thuật cắt đốt có thể cần phải thực hiện lại nếu tình trạng bệnh tái phát sau đó. Đa số người bệnh phải chờ sau 3-6 tháng kể từ khi làm thủ thuật thì mới đánh giá được hiệu quả.

Lợi ích của thủ thuật này là thời gian phục hồi ngắn hơn so với phẫu thuật mổ hở, ít chảy máu và giảm thiểu rủi ro tối đa. Người bệnh có thể được xuất viện trong cùng ngày hoặc thời gian nằm viện rất ngắn. Cắt đốt cũng không làm hỏng các mô khỏe mạnh xung quanh và có thể thực hiện nhiều lần trong đời nếu cần thiết.

Thủ thuật cắt đốt thường được thực hiện cùng với các loại trị liệu khác, chẳng hạn như hóa trị hoặc điều trị bằng thuốc.

Mặc dù vậy, thủ thuật này có thể không phải lúc nào cũng hiệu quả hoặc là lựa chọn tốt nhất để điều trị một tình trạng bệnh cụ thể. Người bệnh có thể cần tiếp tục dùng thuốc ngay cả khi thủ thuật thành công. Nếu điều trị bằng cắt đốt không có tác dụng, nhiều khả năng người bệnh phải thực hiện một phương pháp khác. Do đó, người bệnh nên trao đổi kỹ càng với bác sĩ trước khi thực hiện.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Blog Điều Trị không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Cuộc chiến của người rối loạn nhịp tim trong dịch bệnh Covid-19
  • Cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo
  • Phẫu thuật có phải là cách điều trị ung thư phổi hiệu quả?

Nguồn: Internet – hellobacsi