Điện cơ ký

Table of Contents

Tìm hiểu chung

Điện cơ ký là gì?

Điện cơ ký (EMG) hay ghi điện cơ là một kỹ thuật chẩn đoán nhằm đánh giá chức năng cơ bắp và các tế bào thần kinh kiểm soát chúng (tế bào thần kinh vận động). Kết quả của điện cơ ký có thể cho biết những rối loạn thuộc về chức năng thần kinh, chức năng cơ hoặc các vấn đề liên quan đến dẫn truyền tín hiệu thần kinh – cơ bắp.

Tế bào thần kinh vận động truyền tín hiệu điện khiến cơ bắp co lại. Điện cơ ký sử dụng các thiết bị nhỏ gọi là điện cực để diễn giải các tín hiệu này thành biểu đồ, âm thanh hoặc giá trị số để kỹ thuật viên hoặc bác sĩ có thể giải thích.

Khi nào bạn cần thực hiện điện cơ ký?

Bác sĩ có thể yêu cầu ghi điện cơ nếu người bệnh có các dấu hiệu hoặc triệu chứng liên quan đến rối loạn thần kinh hoặc cơ bắp, chẳng hạn như:

  • Ngứa ran, cảm giác châm chích ở da
  • Yếu cơ, cứng cơ
  • Đau cơ hoặc chuột rút, vọp bẻ
  • Tê liệt
  • Cơ co giật vô thức

Kết quả điện cơ ký sẽ giúp xác định chẩn đoán hoặc loại trừ một số bệnh như:

  • Các rối loạn thần kinh ngoài tủy sống (thần kinh ngoại biên) như hội chứng ống cổ tay hoặc bệnh thần kinh ngoại biên
  • Các bệnh lý cơ như viêm đa cơ hoặc loạn dưỡng cơ
  • Các rối loạn ảnh hưởng đến tế bào thần kinh vận động của não hay tủy sống như xơ cứng cột bên teo cơ hoặc viêm tủy xám (polio)
  • Bệnh thoát vị đĩa đệm và các rối loạn của rễ thần kinh

Điều cần thận trọng

Điện cơ ký có nguy hiểm không?

Đây là một kỹ thuật có độ rủi ro thấp và rất hiếm gặp biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở khu vực được ghi điện cơ. Tình trạng này kéo dài trong một vài ngày và người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê toa nếu cần.

Trong vài trường hợp hiếm hơn, người bệnh có cảm giác ngứa ran, bầm tím và sưng tại các vị trí dùng kim đo điện cơ, có thể có những rủi ro nhỏ về chảy máu, nhiễm trùng và tổn thương thần kinh. Nếu tình trạng sưng hoặc đau trở nên trầm trọng hơn, người bệnh cần nhanh chóng quay lại bệnh viện thăm khám.

Bên cạnh đó, nếu thực hiện điện cơ ký trên các cơ dọc theo thành ngực, có một rủi ro rất nhỏ là kỹ thuật có thể khiến không khí rò rỉ vào khu vực giữa phổi và thành ngực, khiến phổi bị xẹp (gây tràn khí màng phổi).

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Người bệnh cần lưu ý những điều sau trước khi thực hiện điện cơ ký:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ để ngừng sử dụng thuốc nếu cần, cả thuốc kê toa và không kê toa
  • Tắm để loại bỏ dầu khỏi da. Tránh bôi kem hay các sản phẩm chăm sóc da
  • Đối với trẻ em thì cần chuẩn bị trước tâm lý, hướng dẫn trẻ phối hợp trong quá trình đo điện cơ

Những trường hợp không đủ điều kiện thực hiện điện cơ ký gồm:

  • máy tạo nhịp tim hoặc bất kỳ thiết bị y tế điện nào khác trong cơ thể
  • Sử dụng thuốc chống đông máu như warfarin
  • Bị băng huyết, rối loạn đông máu gây chảy máu kéo dài

Người bệnh được yêu cầu thay áo choàng bệnh nhân và nằm xuống bàn khám trong tư thế giãn cơ. Để chuẩn bị, bác sĩ khoa thần kinh hoặc kỹ thuật viên sẽ sát trùng và đặt các điện cực bề mặt tại các vị trí khác nhau trên da của người bệnh tùy thuộc vào nơi xuất hiện các triệu chứng. 

Trong khi thực hiện

Điện cơ ký dùng điện cực kim Điện cơ ký dùng điện cực kim

Thăm dò điện cơ thường được chia làm 2 phần là đo tốc độ dẫn truyền thần kinh (bác sĩ dùng điện cực bề mặt để đo biên độ và tần số của tín hiệu điện truyền dọc theo các dây thần kinh và vùng cơ) và ghi điện cơ bằng điện cực kim. Không phải bệnh nhân nào cũng cần ghi điện cơ bằng điện cực kim. 

Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh

Để đo xung thần kinh và đo phản ứng cơ, một điện cực ghi lại các hoạt động này sẽ được gắn trên da người bệnh, thường ở cánh tay hoặc chân. Một điện cực khác sẽ được dùng để kích thích dây thần kinh. Điện cực kích thích sẽ sản sinh ra xung điện khiến người bệnh có cảm giác giật, co xoắn cơ.

Quá trình này có thể được làm lặp lại đối với một số dây thần kinh. Đo dẫn truyền thần kinh dùng để đo xung thần kinh dọc dây thần kinh và phản ứng của cơ với tín hiệu điện. Nếu có tổn thương thì biên độ các tín hiệu này sẽ chậm hoặc tần số sóng điện cơ sẽ thấp hơn.

Ghi điện cơ bằng điện cực kim

Trong quá trình ghi điện cơ, hoạt động điện của cơ được đo lúc nghỉ ngơi và khi co cơ. Bác sĩ sẽ dùng các loại kim khác nhau, kích thước nhỏ hơn kim tiêm. Thăm dò này cần thiết để chẩn đoán đau thần kinh hông hay còn là đau thần kinh tọa hoặc đau dây thần kinh cổ cánh tay.

Với những bệnh lý này, chỉ dùng kỹ thuật ghi điện cơ bằng điện cực kim mới phát hiện ra vì đo tốc độ dẫn truyền thần kinh sẽ cho kết quả bình thường. Ngoài ra, kỹ thuật này là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán tất cả các bệnh lý về cơ: bệnh cơ, viêm cơ hoặc loạn dưỡng cơ. Đối với điện cực kim, cảm giác có thể khó chịu hoặc đau nhưng thường kết thúc ngay sau khi rút kim khỏi da. 

Nếu lo lắng về sự khó chịu hoặc cảm thấy đau, người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ ngay trong quá trình thực hiện.

Sau khi thực hiện

Người bệnh bị một số vết bầm nhỏ tạm thời ở vị trí châm điện cực kim và sẽ mờ dần trong vài ngày. Nếu không thuyên giảm, người bệnh hãy liên hệ bác sĩ để kiểm tra.

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả của điện cơ ký là gì?

Các nhà thần kinh học sẽ giải thích kết quả điện cơ ký và báo cáo cho bác sĩ chuyên khoa đã chỉ định. Nếu kết quả điện cơ ký cho thấy bất kỳ hoạt động điện trong cơ bắp ở trạng thái nghỉ ngơi, thì người bệnh có thể gặp:

  • Rối loạn cơ bắp
  • Viêm do chấn thương

Nếu có hoạt động điện bất thường khi cơ co lại thì đó là dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm hoặc rối loạn thần kinh, chẳng hạn như xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) hoặc hội chứng ống cổ tay.

Tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ yêu cầu xét nghiệm hoặc phương pháp điều trị bổ sung nếu cần.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Blog Điều Trị không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Đối phó với tình trạng co cứng cơ bắp sau khi đột quỵ
  • Vì sao bạn bị co giật và co rút cơ?

Nguồn: Internet – hellobacsi