Xạ hình gallium

Table of Contents

Tìm hiểu chung

Xạ hình gallium là gì?

Xạ hình gallium là một loại xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thuộc khoa y học hạt nhân. Trong xạ hình gallium, một liều nhỏ chất phóng xạ hoặc đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Đồng vị phóng xạ này phát ra một loại tia mà mắt thường không thể nhìn thấy được gọi là tia gamma. Tuy nhiên, có một loại máy camera đặc biệt được gọi là gamma camera có thể “bắt” được loại tia này. Do đó, máy camera này có thể chụp được những vùng cơ thể phát ra tia gamma sau khi tiêm đồng vị phóng xạ.

Có nhiều loại đồng vị phóng xạ khác nhau. Mỗi loại có xu hướng tập trung trong những mô cơ quan khác nhau. Vì vậy, việc dùng loại đồng vị phóng xạ nào tùy thuộc vào phần nào của cơ thể được ghi hình.

Gallium có xu hướng tập trung ở những vùng cơ thể mà ở đó có sự phân chia tế bào nhanh. Vùng được chụp lại bằng gamma camera có lượng gallium tập trung cao có thể là dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng, viêm, chấn thương hoặc ung thư.

Khi nào bạn cần thực hiện xạ hình gallium?

Xạ hình gallium giúp xác định các tế bào đang phân chia nhanh nhất trong cơ thể. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện một số tế bào ung thư. Phương pháp này cũng có khả năng làm hiển thị các tế bào có phản ứng với vùng bị nhiễm trùng trong cơ thể.

Xạ hình gallium có thể được dùng để:

  • Phát hiện nguồn gốc nhiễm trùng gây sốt (sốt không rõ nguyên nhân)
  • Tìm áp xe hoặc nhiễm trùng, nhất là ở trong xương (viêm tủy xương)
  • Theo dõi đáp ứng điều trị với kháng sinh
  • Chẩn đoán các bệnh lý viêm như xơ phổi hoặc u hạt (bệnh Sarcoidosis)
  • Phát hiện một số loại ung thư (như u lympho)
  • Tìm kiếm ung thư di căn
  • Đánh giá đáp ứng của người bệnh ung thư với phác đồ điều trị 

Hiện nay, xạ hình gallium không còn được sử dụng thường xuyên trong chẩn đoán ung thư do đã có các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến hơn thay thế như chụp cắt lớp phát xạ positron (PET). Bên cạnh đó, xạ hình gallium không phát hiện tất cả các dạng ung thư nhưng kỹ thuật này vẫn có thể hữu ích trong việc theo dõi một số bệnh.

Điều cần thận trọng

Xạ hình gallium có nguy hiểm không?

Thông thường, các kỹ thuật xạ hình như xạ hình gallium không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có tồn tại một số rủi ro như:

  • Phản ứng dị ứng, có thể gây khó thở (hiếm)
  • Quá liều khi tiêm thuốc (hiếm)
  • Phát ban
  • Buồn nôn

Thực hiện xạ hình gallium có sử dụng một lượng nhỏ phóng xạ, nhưng khả năng phơi nhiễm phóng xạ là rất nhỏ và ít hơn so với chụp X-quang. Thông qua quá trình phân rã tự nhiên, lượng nhỏ chất phóng xạ trong cơ thể sẽ dần mất đi theo thời gian hoặc được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu hoặc phân trong vài giờ hay vài ngày. Tương tự như các loại tia xạ khác (như tia X), tia gamma có nguy cơ gây tác động lên thai nhi. Vì vậy, nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, người bệnh nên thông báo với bác sĩ và không nên thực hiện xạ hình.

Nếu người bệnh cần di chuyển bằng máy bay trong vòng 3 tháng sau khi làm xạ hình, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tình trạng gặp rắc rối ở cửa an ninh sân bay. Đây là nơi có những đầu dò phóng xạ rất nhạy có thể phát hiện ra một lượng rất nhỏ chất phóng xạ vẫn còn trong cơ thể người bệnh sau khi thực hiện xạ hình. Thông thường, bệnh viện sẽ cấp cho người bệnh giấy tờ xác nhận để trình cho nhân viên tại sân bay.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử của người bệnh. Người bệnh cần thành thật trình bày về:

  • Bất kỳ triệu chứng nào gần đây nếu có
  • Dị ứng thuốc
  • Các loại thuốc đang sử dụng (kê đơn và không kê đơn, đặc biệt là thuốc có chứa bismuth)
  • Những xét nghiệm y tế đã thực hiện gần đây nếu có (như chụp CT)

Người bệnh sẽ cần phải làm rỗng bàng quang trước và không cần cởi áo quần để thực hiện xạ hình gallium. Tuy nhiên, người bệnh cần tháo các trang sức, phụ kiện kim loại. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh về những bước cần thực hiện tại nhà để chuẩn bị nếu có liên quan đến các loại thuốc, chế độ ăn uống hoặc những hoạt động bình thường. Người bệnh có thể cần dùng thuốc nhuận tràng trong vài đêm trước khi xạ hình theo lịch trình để giúp chất lượng hình ảnh thu được tốt hơn.

Trong khi thực hiện

Kỹ thuật thường gồm 2 giai đoạn. Đầu tiên, người bệnh sẽ được tiêm gallium citrate vào cánh tay. Thông thường, người bệnh có thể về nhà sau khi tiêm để cho gallium có thời gian hoạt động bên trong cơ thể. Ở giai đoạn 2, người bệnh quay trở lại bệnh viện để thực hiện xạ hình sau 1–3 ngày từ khi tiêm, tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

Thông thường, thực hiện xạ hình gallium không sử dụng thuốc gây mê trừ phi người bệnh khó ổn định về thần kinh. Kỹ thuật viên sẽ giúp người bệnh nằm lên giường có máy quét tích hợp camera. Người bệnh cần nằm yên trong quá trình quét để thu thập được hình ảnh rõ nét nhất có thể. Máy sẽ di chuyển phía trên người bệnh và chụp ảnh dọc theo chiều dài cơ thể.

Sau khi thực hiện

Quy trình chụp xạ hình có thể kéo dài khoảng 1 giờ. Người bệnh thường có thể về nhà ngay sau đó và tiếp tục mọi hoạt động bình thường nhưng nên đi cùng người thân nếu có sử dụng thuốc gây mê. Kỹ thuật viên sẽ đọc kết quả từ các bản quét chụp xạ hình, gửi kết quả cho bác sĩ chủ trị. Trên phim chụp sẽ thể hiện hình ảnh cơ thể với đường viền màu xám cùng các vùng tối nhất định. Người bệnh có thể cần quay lại thực hiện thêm xạ hình nếu có chỉ định từ bác sĩ điều trị.

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả của xạ hình gallium là gì?

tấm soát ung thư phổitấm soát ung thư phổi
Xạ hình gallium có thể giúp chẩn đoán khối u trong phổi

Kết quả bình thường sẽ cho thấy hình ảnh gallium nổi bật ở xương, gan, lá lách, ruột già và mô vú. Tuy nhiên, khi gallium được phát hiện bên ngoài những khu vực bình thường trên thì có thể là một dấu hiệu của:

  • Nhiễm trùng
  • Viêm
  • Các khối u, bao gồm ung thư hạch Hodgkin hoặc ung thư hạch không Hodgkin
  • Tăng áp động mạch phổi nguyên phát
  • Thuyên tắc phổi
  • Nhiễm trùng hô hấp, thường là viêm phổi do nhiễm trùng bào tử Pneumocystis jiroveci
  • U hạt (bệnh Sarcoidosis)
  • Xơ cứng bì phổi
  • Có khối u trong phổi

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Blog Điều Trị không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bệnh phổi kẽ
  • Áp xe phổi
  • Viêm tủy xương

Nguồn: Internet – hellobacsi