Tìm hiểu chung
Nhiệm vụ chính của thận là lọc chất thải cũng như độc tố trong máu, từ đó đưa chúng ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Ngoài ra, cơ quan bài tiết này còn hỗ trợ kiểm soát mực nước và nồng độ khoáng chất thiết yếu trong cơ thể.
Bên cạnh đó, một số quá trình sản sinh tế bào và nội tiết tố cũng cần sự góp mặt của thận, ví dụ như:
- Tế bào hồng cầu
- Hormone điều hòa huyết áp
Như vậy, có thể thấy thận đóng vai trò không thể thay thế trong việc duy trì sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, đôi khi bộ phận này có thể hoạt động không tốt bởi nhiều lý do khác nhau. Khi đó, bác sĩ sẽ cần thực hiện một hoặc nhiều thủ thuật để kiểm tra chức năng thận.
Xét nghiệm chức năng thận là gì?
Theo các chuyên gia, xét nghiệm chức năng thận là thuật ngữ liên quan đến một nhóm thủ thuật y tế dùng để theo dõi cũng như đánh giá khả năng hoạt động của thận, bao gồm:
Xét nghiệm nước tiểu
Mục đích của xét nghiệm nước tiểu là sàng lọc sự hiện diện của protein hoặc máu trong nước tiểu. Thông thường, tình trạng nước tiểu chứa protein hoặc máu có thể cảnh báo về một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Mặt khác, một số bác sĩ cũng có thể yêu cầu lấy mẫu nước tiểu 24 giờ để kiểm tra tốc độ đào thải creatinine của thận.
Xét nghiệm creatinine huyết thanh
Creatinine là một loại chất thải trong máu, được thận lọc và đào thải ra ngoài thông qua đường tiểu. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ hoạt chất trên vượt quá mức quy định (1,2mg/dl với nữ và 1,4mg/dl với nam), sức khỏe thận có thể đang gặp vấn đề.
Xét nghiệm ure máu (BUN)
Nitơ ure là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa protein. Hợp chất này thường ở tích tụ trong máu và được thận lọc cũng như đưa ra ngoài cơ thể bằng đường tiểu.
Đôi khi, bác sĩ có thể kiểm tra chức năng thận thông qua việc định lượng nồng độ ure trong máu. Thủ thuật này còn gọi là xét nghiệm ure máu (BUN). Nếu chức năng thận vẫn ổn định, hàm lượng nitơ ure thường sẽ rơi vào khoảng 7 – 20mg/dl.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kết quả xét nghiệm trên bất thường không có nghĩa thận hoạt động không hiệu quả. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả định lượng, chẳng hạn như aspirin liều cao hay kháng sinh. Vì vậy, bạn đừng quên đề cập đến những đơn thuốc đang dùng với bác sĩ trước khi làm xét nghiệm nhé.
Ước tính độ lọc cầu thận (eGFR)
Khả năng lọc thải độc tố của thận sẽ được đánh giá qua xét nghiệm này. Kết quả ước tính độ lọc cầu thận thường dựa trên những yếu tố như:
- Các kết quả xét nghiệm chức năng thận khác, ví dụ như xét nghiệm creatinine huyết thanh
- Tuổi tác
- Giới tính
- Chủng tộc
- Chiều cao
- Cân nặng
Theo bác sĩ, giá trị eGFR thấp hơn 60ml/phút/1,73m² có thể là dấu hiệu của các bệnh về thận.
Khi nào bạn cần thực hiện xét nghiệm chức năng thận?
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm một hoặc nhiều xét nghiệm chức năng thận nếu:
- Họ nghi ngờ thận hoạt động không hiệu quả
- Bạn đang tiếp nhận liệu trình điều trị bệnh thận
- Nồng độ kali hoặc các khoáng chất khác trong máu bất thường
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc bạn đang dùng ảnh hưởng đến sức khỏe thận
Mặt khác, nhóm xét nghiệm này còn đóng vai trò quan trọng đối với những người đang phải đối mặt với những tình trạng sức khỏe như:
- Đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Các bệnh về tim
Điều cần thận trọng
Xét nghiệm chức năng thận có nguy hiểm không?
Về cơ bản, các xét nghiệm chức năng thận không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, một số người có thể bắt gặp vài triệu chứng khó chịu khi lấy mẫu máu để phân tích, chẳng hạn như:
- Sưng đỏ hoặc bầm tím ở vị trí rút máu
- Chóng mặt
- Đau nhói


Thực tế, những dấu hiệu trên hoàn toàn bình thường và sẽ nhanh chóng biến mất. Do đó, bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này.
Mặc dù vậy, nếu bạn cảm thấy đau dữ dội ở vị trí lấy máu hoặc cảm giác đau kéo dài bất thường, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được can thiệp y tế kịp thời.
Quy trình thực hiện
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trước khi thực hiện
Xét nghiệm chức năng thận thường không có yêu cầu đặc biệt cho quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể căn dặn một số việc, chẳng hạn như không ăn uống trong vòng 8 – 10 giờ trước khi làm xét nghiệm.
Trong khi thực hiện
Tùy theo loại thủ thuật bạn làm, quy trình thực hiện sẽ khác nhau, ví dụ như:
Lấy mẫu nước tiểu 24 giờ
Vào ngày lấy mẫu, bạn sẽ đi tiểu bình thường sau khi thức dậy. Tuy nhiên, trong những lần đi vệ sinh sau đó, bạn cần tiểu trực tiếp vào hộp đựng chuyên dụng được các chuyên viên y tế đưa đến để thu thập mẫu. Quá trình này sẽ kết thúc sau lần đi tiểu đầu tiên vào sáng hôm sau.
Trong suốt quá trình lấy mẫu nước tiểu 24 giờ, bạn sẽ cần trữ mẫu trong tủ lạnh để bảo quản. Do đó, đừng quên đậy kín hộp và dán nhãn rõ ràng nhé.
Lấy mẫu máu
Cả xét nghiệm BUN lẫn creatinine huyết thanh đều cần mẫu máu để phân tích. Quy trình thực hiện sẽ diễn ra trong môi trường vô trùng nhằm đảm bảo chất lượng mẫu.
Các bước thực hiện bao gồm:
- Khử trùng vị trí lấy máu (thường là mặt trong khuỷu tay)
- Dùng dải thun quấn chặt phần trên bắp tay để làm các mao mạch hiện rõ dưới da, giúp việc rút máu dễ dàng hơn
- Dùng bông hoặc băng gạc tiệt trùng để bịt vết kim đâm, tránh chảy máu quá nhiều
Sau khi thực hiện
Các mẫu nước tiểu hoặc mẫu sau khi thu thập sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Dựa vào những kết quả này, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe cũng như khả năng hoạt động của thận.
Kết quả của xét nghiệm
Kết quả của xét nghiệm chức năng thận là gì?
Đối với các xét nghiệm chức năng thận, kết quả âm tính chứng tỏ cơ quan này hoàn toàn khỏe mạnh. Ngược lại, nếu phần lớn xét nghiệm cho ra kết quả dương tính, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về một hoặc nhiều vấn đề tiềm ẩn ở thận.
Nguyên nhân suy giảm chức năng thận có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, để đưa ra phương hướng điều trị phù hợp và hiệu quả, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm khác nhằm xác định chính xác tác nhân khiến thận hoạt động không tốt.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Blog Điều Trị không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Điều trị suy thận và những điều bạn nên biết
- “Vén màn” mối liên kết giữa bệnh thận yếu và “chuyện ấy”