Xét nghiệm hormone tuyến cận giáp (PHT)

Xét nghiệm hormone tuyến cận giáp (PHT)

Table of Contents

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm hormone tuyến cận giáp là gì?

Tuyến cận giáp bao gồm bốn tuyến nhỏ nằm ở cổ, chịu trách nhiệm điều chỉnh nồng độ canxi, vitamin D và phốt-pho trong máu cũng như xương.

Parathyroid hormone (PTH) hay hormone tuyến cận giáp là nhóm nội tiết tố sinh ra từ bộ phận này, đóng vai trò kiểm soát hàm lượng canxi. Vì vậy, hiện tượng mất cân bằng canxi trong máu có thể cảnh báo về tình trạng hormone này đang có vấn đề.

Lúc này, bác sĩ sẽ muốn kiểm tra hàm lượng PTH trong máu bằng xét nghiệm hormone tuyến cận giáp. Đồng thời, định lượng canxi trong máu cũng có thể được tiến hành cùng lúc bởi mối quan hệ mật thiết giữa canxi và PTH.

Khi nào bạn cần thực hiện xét nghiệm hormone tuyến cận giáp?

Để cơ thể hoạt động bình thường, nồng độ canxi bắt buộc phải nằm trong phạm vi cho phép. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm hormone tuyến cận giáp khi:

  • Bạn có dấu hiệu thừa canxi: mệt mỏi, buồn nôn, khát nước, đau bụng…
  • Bạn có triệu chứng thiếu hụt canxi trong máu: chuột rút cơ bắp, ngứa ngón tay…
  • Kết quả định lượng canxi bất thường
  • Các chuyên gia cần xác định nguyên nhân hàm lượng canxi quá thấp hoặc quá cao

Mặt khác, đôi khi xét nghiệm này còn được dùng với mục đích:

  • Kiểm tra chức năng tuyến cận giáp
  • Xác định liệu vấn đề sức khỏe ở người bệnh có liên quan đến tuyến cận giáp hay không
  • Theo dõi hiệu quả điều trị trong các vấn đề liên quan đến tuyến cận giáp
  • Xác định nguyên nhân khiến nồng độ phốt-pho trong máu thấp
  • Tìm hiểu nguyên nhân tình trạng loãng xương không đáp ứng tốt với liệu trình điều trị
  • Theo dõi các tình trạng sức khỏe mãn tính, chẳng hạn như bệnh thận

Điều cần thận trọng

Xét nghiệm hormone tuyến cận giáp có nguy hiểm không?

Tương tự nhiều loại thủ thuật y tế khác, xét nghiệm hormone tuyến cận giáp cũng có rủi ro riêng. Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng vì chúng tương đối nhẹ, hiếm khi xảy ra và có thể dễ dàng kiểm soát. Các rủi ro thường là:

  • Xuất huyết
  • Mệt mỏi, chóng mặt
  • Máu tích tụ dưới da gây bầm tím
  • Nhiễm trùng tại vị trí lấy máu

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Định lượng hormone tuyến cận giáp là một dạng xét nghiệm máu nên các chuyên gia sẽ cần lấy mẫu máu từ bạn để phân tích. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn uống trong một khoảng thời gian quy định, thường là tối trước ngày làm xét nghiệm, trước khi lấy máu.

Ngoài ra, nếu bạn có tiền sử mắc chứng máu khó đông, ngất xỉu hay bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, hãy thông báo ngay từ đầu với các chuyên gia. Họ sẽ xem xét và đưa ra biện pháp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh biến chứng.

Trong khi thực hiện

Lấy máu xét nghiệm hormone tuyến cận giápLấy máu xét nghiệm hormone tuyến cận giáp
Các chuyên viên y tế đang thực hiện quá trình lấy máu để đem đi xét nghiệm

Mẫu máu thường được lấy từ tĩnh mạch ở mặt trong khuỷu tay, vì đây là khu vực dễ xác định vị trí mạch máu nhất. Đôi khi vị trí lấy máu cũng có thể là ở mu bàn tay.

Quá trình rút máu bao gồm các bước sau:

  • Khử trùng khu vực lấy máu
  • Sử dụng một sợi dây co giãn quấn quanh bắp tay nhằm tạo áp lực khiến tĩnh mạch nổi lên rõ ràng
  • Đâm kim vô trùng vào tĩnh mạch và rút ra lượng máu cần thiết
  • Đựng mẫu máu trong dụng cụ chuyên dụng đã được tiệt trùng
  • Băng bó vị trí đâm kim nếu cần thiết

Sau khi thực hiện

Hầu hết người làm xét nghiệm sẽ cảm thấy đau nhói ở vị trí rút máu, đặc biệt nếu vị trí tĩnh mạch của họ khó xác định.

Thực tế, nhói đau hay chảy máu tại vị trí đâm kim là triệu chứng thông thường sau khi lấy máu. Bên cạnh đó, chúng sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào và nhanh chóng biến mất. Vì vậy, bạn có thể xuất viện ngay sau khi lấy máu xong.

Kết quả của xét nghiệm hormone tuyến cận giáp

Kết quả của xét nghiệm hormone tuyến cận giáp là gì?

Sau khi kết quả xét nghiệm hormone tuyến cận giáp được trả về, bác sĩ sẽ thảo luận cùng bạn về những vấn đề bạn có nguy cơ gặp phải. Nếu kết quả cho thấy nồng độ nhóm nội tiết tố PTH nằm trong phạm vi cho phép, tuyến cận giáp có thể vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình.

Ngược lại, nếu hàm lượng hormone tuyến cận giáp trong cơ thể nằm ngoài mức quy định, bạn có khả năng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ví dụ như:

Nồng độ hormone PTH quá thấp

Trong trường hợp này, những bệnh lý có nguy cơ diễn ra bao gồm:

  • Suy tuyến cận giáp
  • Rối loạn tự miễn
  • Ung thư di căn xương
  • Thừa canxi trong một khoảng thời gian dài
  • Nồng độ magie trong máu quá thấp
  • Tiếp xúc với bức xạ ảnh hưởng đến tuyến cận giáp
  • Ngộ độc vitamin D
  • U hạt, một tình trạng sức khỏe liên quan đến viêm mô

Nồng độ hormone PTH quá cao

Cường cận giáp là nguyên nhân thường gặp cho phần lớn trường hợp hàm lượng nội tiết tố PTH cao bất thường. Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe khác cũng có nguy cơ xảy ra gồm:

  • Những bệnh lý gây tăng nồng độ phốt-pho, chẳng hạn như bệnh thận mãn tính
  • Giả suy cận giáp
  • Tuyến cận giáp bị sưng
  • Sự hiện diện của khối u (có thể lành tính hoặc ác tính) ở tuyến cận giáp
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú (hiếm gặp)

Ngoài ra, đôi khi kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ hormone tuyến cận giáp cao còn cảnh báo về tình trạng thiếu hụt canxi. Trong trường hợp này, nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như:

  • Chế độ ăn uống không cung cấp đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi
  • Khả năng hấp thụ canxi của cơ thể suy giảm
  • Canxi hao hụt thông qua đường tiểu

Mặt khác, thiếu hụt vitamin D cũng có liên quan đến tình trạng lượng hormone PTH trong máu quá cao. Khi đó, cơ thể bạn có thể gặp khó khăn trong việc phân giải, hấp thụ hoặc sử dụng vitamin này. Nếu bạn không sớm có biện pháp khắc phục, rủi ro yếu cơ hoặc xương rất dễ xảy ra.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Blog Điều Trị không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Các bài viết của Blog Điều Trị chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Ung thư tuyến cận giáp
  • Suy tuyến cận giáp
  • Cắt bỏ tuyến cận giáp

Nguồn: Internet – hellobacsi